Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, ngành xây dựng tăng 6,76%, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng trong giai đoạn 2015 – 2019, đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Những khó khăn chủ yếu trong năm 2020 đối với ngành này đến từ những gián đoạn, bất ổn do dịch bệnh. Trong đó, biến động về giá nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục là một trong những khó khăn hàng đầu đối với 66,7% số doanh nghiệp xây dựng và 71,4% số doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Yếu tố thiên tai, thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của 58,3% doanh nghiệp xây dựng, thêm nữa, những giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến lực lượng lao động và tâm lý của người lao động, khiến cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, một số vấn đề còn tồn đọng trong giai đoạn trước như số lượng dự án được phê duyệt giảm, thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý hay quá trình triển khai đấu thầu, tình trạng thiếu vốn… cũng gây ra lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
2021 – Cơ hội đổi thay và bứt phá
Bước sang năm 2021, Covid-19 đã thay đổi cách thế giới vận hành và theo đó tác động đáng kể đến lĩnh vực xây dựng. Trong đó, những thay đổi lớn nhất bao gồm: (1) Có nhiều nhà đầu tư lớn và thông thái hơn tham gia xây dựng với yêu cầu cao hơn về quy mô và phân phối dự án; (2) Gia tăng mức độ quan tâm của khách hàng đối với các tòa nhà “thông minh” (ứng dụng kỹ thuật số như IoT, sử dụng năng lượng, vận hành hiệu quả…); (3) Khách hàng chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững trong ngành; (4) Lao động lành nghề trở nên khan hiếm và đắt đỏ; và (5) Các quy định và quy tắc xây dựng đang thay đổi, trở nên hài hòa hơn để tạo ra phương pháp xây dựng tiêu chuẩn.
Một thị trường thay đổi, cùng với tiến bộ công nghệ và những nhân tố mới có tính đột phá sẽ tạo ra cú hích thay đổi toàn diện hoạt động của ngành. Những cú hích như công nghệ sản xuất mới, quá trình số hóa sản phẩm, số hóa các kênh bán hàng, công nghệ vật liệu mới đều được dự báo tăng lên so với giai đoạn trước. Tất cả những thay đổi trên đã và đang làm cho toàn ngành xây dựng – vật liệu xây dựng cũng như từng doanh nghiệp dần “lột xác” với một diện mạo hoàn toàn mới, trở nên mạnh hơn, bền bỉ hơn. Tuy nhiên, chúng ta còn một con đường dài phía trước.
Kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau một năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 nhưng mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 4% vào năm 2021. Trong khi đó, theo FMI, hoạt động xây dựng thường có độ trễ từ 12 đến 18 tháng so với suy thoái chung. Riêng đối với Việt Nam – một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm vừa qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong năm nay. 31,6% số doanh nghiệp ngành xây dựng- vật liệu xây dựng tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong 6 tháng đầu năm và có tới 47,4% số doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Đáng chú ý, khoảng 15,8% số doanh nghiệp cho rằng sẽ có bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định trong 6 tháng tới.
Dự báo kịch bản chung cho hoạt động của toàn ngành
Thứ nhất, nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại suốt một năm bị gián đoạn hoạt động do dịch bệnh đã sẵn sàng bật tăng trở lại. Theo đánh giá của một số chuyên gia, sắp tới sẽ có một cuộc chạy đua quyết liệt để bù đắp những mất mát trong thời gian qua. Động lực chạy đua là sinh kế của chính doanh nghiệp. Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái tích cực trong việc giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính gây ra sự chững lại của thị trường trong giai đoạn 2019 – 2020. Thứ ba, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã cải thiện rất nhiều với việc vắc-xin được đưa vào sử dụng.
Tóm lại, hội tụ tất cả các yếu tố trên sẽ tạo ra thời cơ cho sự phát triển của thị trường trong năm 2021.
Các ưu tiên chiến lược đối với doanh nghiệp
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp ngành xây dựng- vật liệu xây dựng cho biết, họ sẽ tập trung vào 6 chiến lược chính: (1) Đảm bảo tốt hiệu quả, chất lượng, tiến độ của các dự án, công trình hiện có; (2) Tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường; (3) Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ; (4) Tiếp tục phát triển thương hiệu; (5) Đầu tư công tác nghiên cứu và phát triển (R&D); và (6) Đánh giá nguồn lực, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng
So với thời điểm dịch bệnh bùng phát cách đây 1 năm, có hai điểm khác biệt lớn trong chiến lược kinh doanh năm nay.
Một là thứ tự ưu tiên của các nhiệm vụ trọng tâm. Như đã phân tích ở trên, trong năm 2021 sẽ có một cuộc chạy đua quyết liệt nhằm bù đắp những mất mát trong giai đoạn trước, vì thế, ưu tiên hàng đầu đối với 91,7% doanh nghiệp trong ngành chính là đảm bảo tốt, hiệu quả các dự án, công trình hiện có. Hai là xuất hiện xu hướng đánh giá, tái cấu trúc doanh nghiệp. Giai đoạn trước khi COVID-19 bùng phát, dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó khăn, công tác quản trị doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào quản trị tài chính.
Tuy nhiên, sau một năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, 26,3% số doanh nghiệp ngành xây dựng- vật liệu xây dựng cho biết họ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá nguồn lực, tái cấu trúc doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình diễn biến thị trường. Cùng với báo cáo phân tích ngành xây dựng – vật liệu xây dựng, Vietnam Report cũng công bố Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng uy tín năm 2021; Top 5 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2021 – Nhóm sản phẩm: Gạch, đá ốp lát; Top 5 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2021 – Nhóm sản phẩm: Sắt, thép, tôn; và Top 5 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2021 – Nhóm sản phẩm: Cửa-tấm profile-vách ngăn: nhựa, nhôm kính, thạch cao.